Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Đờn ca tài tử – cải lương: Qua các giai đoạn

Cô Năm Đồng
Đờn ca tài tử dành cho những bậc thượng lưu: So với ca nhạc Huế (Trung bộ), hát Chèo (Bắc bộ) thì ĐCTT là sinh sau đẻ muộn hơn. Sách báo còn lưu lại khá nhiều, đặc biệt là sự truyền khẩu trong dân gian cũng tương đối chính xác, bởi lẽ, cuối thế kỷ trước (thế kỷ XX) vẫn còn nhiều nhân chứng như: cụ Sáu Chí ở Mỹ Tho (anh của cố NSND Bảy Nam), cố học giả Vương Hồng Sến, NSND Phùng Há, GS-TS Trần Văn Khê, một số nghệ nhan cao niên ở Cần Đước – Long An… mà chúng, tôi đã có dịp gặp và nghe kế lại về ĐCTT hồi trước.
Dòng nhạc Tài tử Nam bộ ra đời không bao lâu, thì xuất hiện hai trường phái miền Đông và miền Tây, đứng đầu trường phái miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (xuất than từ quan nhạc của triều Nguyễn), đứng đầu trường phái miền Tây là cụ Trần Quan Quân (Ký Quẫn – trí thức làm việc cho Tây). Hai trường phái này thi đua sáng tác hoặc hiệu đính nhiều bài bản và viết lời ca rồi thi thố tài năng, đồng thời truyền bá rộng ra thành phong trào khắp Nam kỳ Lục Tỉnh vào cuối thế kỷ XIX. Mỗi lần hội ngộ để thi thố thường là dịp Tết, từ tháng chạp cho đến hết tháng giêng (tháng giêng là tháng ăn chơi), nhóm miền Đông mời nhóm miền Tây, rồi miền Tây mời trở lại, mỗi nhóm tiến cử những “cao thủ thượng thặng” để gặp nhau thử tài, mà bây giờ gọi là giao lưu.
Người đờn được gọi là Tài tử (người tài), người ca được xem là Giai nhân (ca hay giọng đẹp). Trong một ban Tài tử thường có một hoặc hai nữ ca, mà những người năm xưa vãn còn lưu danh như: cô Ba Đắc, cô Năm Cần Thơ, cô Năm Sa đặc, cô Ba Bến Tre… Ban đầu gặp nhau là thi thố tài nghề, khi ngang tài cân sức mến phục nhau rồi thì kết thành bạn tri kỷ tri âm. Bởi người đờn và người ca không những hiểu ý nhau về hơi giọng, nhịp nhàng bài bản, mà người đờn luôn sáng tạo từng cách diễn tấu cho hợp với chất giọng làn hơi và tâm trạng biểu đạt của người ca nữa.
Ngược lại, người ca cũng hiểu ý tứ, tâm trạng của người đờn qua tiếng nhạc, ví dụ: đờn ”rao lên hơi Bắc, Oán, Xuân, Ai… là người ca hiểu ngay, người đờn muốn mời người ca thể điệu gì như một tín hiệu để gợi mở vậy. Vì thế, nên mới gọi là đồng điệu tri âm, có nghĩa là đồng cảm và thấu hiểu nỗi lòng qua tiếng đờn giọng ca rồi thành thân tình.
Cách đây khoảng hai mươi năm, cụ Sáu Chí có kể lại trong một dịp ĐCTT ở Tiền Giang: Hồi đó, ĐCTT được tổ chức, các Tài tử – Giai nh ân đều ngồi yên một chỗ trên bộ ván gõ trong nhà, nếu đông người quá thì trải chiếu dưới đất ngồi, chủ nhà phục vụ trà rượu, cơm nước đầy đủ. Một cuộc chơi kéo dài ít nhất là một buổi, thường là cả ngày hoặc suốt cả đêm, có khi cả ngày lẫn đêm khi đám tiệc lớn. Vì hồi đó, ĐCTT là đờn ca hết bài hết bản, không có chân khúc chân lớp như bây giờ, thời gian rộng rãi, nhịp sống thì bình lặng không bon chen, một bài bản hồi đó đờn ca có khi cả nửa tiếng đồng hồ, như bài Giang Nam, Đảo ngũ cung 52 câu qua luôn 15 câu song cước, các bán Oán đều dài lê thê và tiết tấu phong cách Tài tử rất chậm mở.
Dàn nhạc hồi đó chưa có gui- tre phím lõm, sến, violon, thường là dàn Tứ tuyệt (Kìm – cò – tranh – độc) hoặc Ngũ tuyệt (Kìm – cò – tranh – độc – sáo), không có sáo thì có tiêu, đờn đoản hoặc tỳ bà có lúc thay cho kìm… Tài tử – Giai nhân hồi đó khi vào cuộc chơi là phải vững vàng 20 bài bản Tổ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Bài, 4 Oán) và một số bản lớn khác (ĐCTT không dùng bản ngắn và nhỏ). Đờn và ca phải đạt những tiêu chí đó thì mới được vào cuộc ngồi ở ván hay chiếu, còn không đủ “đô” thì ngồi ngoài nghe, đồng thời lo phục vụ châm trà trót rượu cho các Tài tử – Giai nhân. Và, không phải ai cũng được thưởng thức, tá điền – bần nông càng không thể.
Cụ Bảy (thân phụ của soạn giả Huỳnh Anh – Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang) cũng kể lại: Hình thức ĐCTT ở giai đoạn này, tuy có phát triến rộng khắp nhưng không phải ai cũng có khả năng tố chức được, mà phải là những gia đình quan chức, hương chức, quý tộc, hay gia đình khá giả (điền chủ). Họ tổ chức trong dịp tiệc tùng, đình đám hoặc Tết nhứt, còn dân thường thì không thể tồ chức được, vì không có đủ uy tín mời rước các Tài tử – Giai nhân cũng như khả năng tài chính chi phí lúc bấy giờ. Cho nên ngày xưa có câu “Cầm – Kỳ – Thi – Họa” là dành cho những bậc thượng lưu.
ĐCTT trở về dân gian
Có thể khẳng định rằng, ĐCTT xuất hiện từ dân gian, tiền đề của nó là lúc mà các hương nhạc ở đình, thời gian phục vụ cúng lễ hội không bao nhiêu nên họ rảnh rỗi mà “ngây thơ phú vịnh” chơi đờn, sau đó mới hình thành nhóm và dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội.
Từ n ăm 1930, lấy giai cấp công – công làm nền tảng cho cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, thì ĐCTT không còn dành riêng cho tầng lớp thượng lưu nữa, mà nó được bình dân hóa trong sinh hoạt dân gian. Có nghĩa là, ai cũng có thể tổ chức và người không biết đờn ca thì được thưởng thức khác với trước đó. Lúc này, hình thức ĐCTT mở rộng và thông thoáng hơn, các nơi đều có những lò, nhóm tiêu biểu, hình thức Ca ra bộ đã định hình, đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang thành bài vọng cổ nhịp 4, nhịp 8 và 16 đã lan truyền nhanh rộng từ thành thị đến thôn quê. Không chỉ tổ chức ở đình đám lễ hội, mà những trung nông cũng có thể tố chức chơi ĐCTT trong những buổi tiệc thuần túy. Kế đó, là nhiều thầy đờn truyền dạy cho môn đệ, rồi các để tử khi ngẫu hứng cũng tổ chức chỗ này chỗ nọ, không gian cũng mở rộng ở trong nhà, dưới gốc cây, trên ghe xuồng đi buôn bán, ngoài sân những đêm trăng… nhiều người bình dân cũng tham gia chơi hoặc thưởng thức. Nhưng vẫn giữ căn cơ, ai đủ tài ngang sức thì tham gia, còn không thì ngồi nghe. Những gia đình say mê, có khả năng thường rước thầy đờn về nhà dạy đờn ca và có đám tiệc thì rước ban ĐCTT về nhà giúp vui. Bên cạnh đó, các ”chiến hữu” cũng thường tổ chức, vừa ”lai rai” vừa ĐCTT gọi là cùng nhau “đối ẩm” mà không phân biệt thứ bậc xã hội: quan chức hay thường dân, nam phụ hay lão ấu đều tham gia tự sản tự tiêu. Đặc biệt giai đoạn này, ở Mỹ Tho và Sài Gòn còn đưa ĐCTT vào nhà hàng hoặc rạp chiếu phim để câu khách.
NSUT công Thành kể: Từ sau năm 1954, ĐCTT mở rộng ranh giới ở nhiều vùng miền, Bắc – Trung – Nam và cả trong chiến khu Cách mạng. Ngày Tết, một số cán bộ văn nghệ trong Nam tập kết ra Bắc, cùng các nghệ nhân ngoài đó tổ chức ĐCTT, ban đầu cho đỡ nhớ nhà, dần dần thành chương trình phục vụ rộng rãi trong dịp Tết. Sau này, có lần NSUT Công Thành cùng đoàn Cải lương Nam bộ vào chiến trường Đảng Trị phục vụ Tết – 1973, ở Bến Hải lúc hai bên đình chiến (ngừng bắn), lính ngụy qua chơi và đề nghị các nghệ sĩ đoàn Cải lương Nam bộ ĐCTT cho họ nghe để đỡ nhớ nhà. Các NS ƯT Công Thành, cố NSUT Tấn Đạt, cố soạn giả Hùng Tấn… ca cho họ nghe, họ rất mến mộ.
Còn nghệ nhân dân gian Bạch ,Huệ có lần kể, ĐCTT ngày trước chuẩn mực lắm, hầu hết dân chúng hồi đó ai cũng mến thích và quý trọng giới Tài tử, Tết thì hết chỗ này tới chỗ khác rước, khi vào cuộc là đờn ca hết mình không điều kiện. Một số cán bộ văn nghệ lão thành cho biết, ở những vùng GP thời chiến thì văn công phục vụ văn nghệ tổng hợp trong đó có ĐCTT Đặc điểm của giai đoạn này, ĐCTT thành hình thức Cải lương hóa, không chuẩn như trước, vì hoàn cảnh chiến tranh khó khăn, dàn nhạc sơ sài vài nhạc cụ, bài bản chắp vá pha nhiều thể điệu ngắn của Cải lương, chủ yếu là vui mang nặng tính dân gian.
ĐCTT Trăm hoa đưa nỡ
Sau giải phóng (1975), phong trào văn nghệ quần chúng và Cải lương rất mạnh, ĐCTT chỉ thỉnh thoảng xuất hiện dành cho những người cao niên. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Cải lương suy yếu, ĐCTT bắt đẩu được khơi dậy và TPHCM là nơi tổ chức Liên hoan nhạc Tài tử đầu tiên vào năm 1991. Từ đó phong trào được dấy lên khắp nơi, những năm kế tiếp, các Đài PTTH, ngành VHTT, lại tổ chức Liên hoan hằng năm liên tục và mở rộng từ cấp tỉnh thành, khu vực và toàn quốc. Các lò đào tạo cũng được phục hưng, Trung tâm VHTT các nơi cũng mở lớp, đến bây giờ thì khó mà thống kê con số cụ thể được. Mỗi áp có một đội Tài tử, xã phường một CLB, Quận huyện, tỉnh thành mỗi nơi vài CLB, cả phía Nam có khoảng vài ngàn CLB ĐCTT và hàng chục ngàn thành viên, là ”binh chủng” hùng hậu và đông nhất so với các loại hình nghệ thuật khác.
ĐCTT nhiều năm qua trở thành một môn nghệ thuật trong sinh hoạt cộng đồng Nam Bộ, không chỉ phục vụ cho các ngày lễ lớn của dân tộc, mà là sinh hoạt thuần túy gần như hằng ngày và mọi lúc mọi nơi đây đó. Các khu du lịch sinh thái nhiều nơi, nhiều nhà hang khách sạn cũng đã khai thác, phục vụ cho kinh doanh như là “model” thời đại. Ngày Tết, khỏi phải nói, khắp mọi nơi, hết nhà này đến nhà kia, hết người này mời đến người nọ rước…
Có thể nói, ĐCTT đến hôm nay đã trở thành món quà xuân của người Nam bộ, khách nước ngoài cũng mến thích, bởi nó vốn nhanh hòa nhập cộng đong với đặc tính gần gũi cuộc sống, trình, lãng mạn và phóng khoáng như tính cách của chủ nhân và quê hương trù phú vùng sông nước Nam bộ đã sinh ra nó. Cứ môn dịp xuân về Tết đến, ĐCTT rộ lên đây đó không khác gì hoa xuân đua nở vậy.

(Theo Báo sân khấu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét