Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

“Đệ tử chân truyền” của Bút Tre

Với Bành Thông, niềm vui trong cuộc sống chính là nhờ tiếng cười dí dỏm, cười chính cả bản thân mình. Riêng lĩnh vực thơ vui của ông, nhiều chuyện đã trở thành giai thoại.

Hiếm có nhà báo, nghệ sĩ nào đa tài như Bành Thông trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Với tài sản hàng chục huy chương các loại vì thành tích sáng tác kịch, thơ, đạo diễn… Bành Thông đã có thể ghi tên mình vào sổ “ghi nét” trong mắt bạn bè. Mới đây, vào tuổi ngoại lục tuần, ông lại được bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Việt Nam.
Chạy việt dã vào mùa cưới
Cứ vào mùa cưới là Bành Thông bận lắm. Bận vì phải nhận lời mời làm MC (người dẫn chương trình) đám cưới. Có những hôm ông phải làm MC cho ba đám cưới, không nhận thù lao, chỉ nhận vài chén rượu nhạt uống cho vui đời. Đã có thơ rằng:
“Đám cưới mà thiếu Bành Thông
Một trăm mâm cỗ coi không có gì”.
“Một triết gia đã từng nói: “Tiếng cười thể hiện sự thông minh. Nếu ai cười chính bản thân mình thì lại càng thông minh hơn”. Bành Thông là một người như thế, nhiều khi rỗi việc, ngắm trời nhìn đất lại làm mấy câu cười cợt chính mình.”
Bạn bè, thậm chí nhiều cơ quan tiếp khách cũng nhờ Bành Thông đến “giúp một tay”. Nhiệm vụ của ông là “buôn dưa lê” đủ chuyện Tây Tàu, thơ phú cho thêm phần hấp dẫn. Nhấp vài chén rượu là ông có thể đọc trơn tru vài trăm câu thơ “thể Bút Tre”. Một lần ngồi uống bia cỏ, Bành Thông đã góp vui cùng chúng tôi một bài như sau:
Anh đi em bấm đốt tay
Anh về em bấm chỗ này chỗ kia
Anh đi bát đĩa cũng chia
Anh về em sắp cả thìa lẫn môi
Anh đi giường chiếu chia đôi
Anh về trống vắng cả nơi anh nằm
Anh đi giường chiếu lặng câm
Anh về chúng nó reo ầm cả lên
Anh đi chăn đắp phía trên
Anh về chăn gấp làm nền thay ga
Anh đi cà chửa ra hoa
Anh về bầu bí bò ra bò vào
Anh đi cỏ mọc bờ ao
Anh về cá đớp cả phao lẫn mồi
Anh đi qua núi qua đồi
Anh về chỉ thích những nơi gò đầm
Anh đi ngã bảy ngã năm
Anh về anh sướng anh nằm ngã ba!
Giai thoại thơ về chiếc xe máy cà tàng
Năm 1972, Bành Thông chơi ngông mua được một chiếc xe máy Java không có ống xả, máy nổ như công nông, đi đến đâu là bạn bè phát hiện ra ngay. Vì thế bạn bè đã làm câu thơ tặng ông:
“Tiếng gì như tiếng công nông
Thì ra xe của Bành Thông đã về”.
Ngày ấy mà có xe máy Java là oách lắm, nhiều cô gái thích đi nhờ, Bành Thông đành phải chở thôi. Tuy nhiên đã làm thơ dặn trước:
Ngồi xe với anh Bành Thông
Vững hơn ngồi ghế sa lông ở nhà

Quãng nào đường lắm ổ gà
Em phải ôm chặt kẻo là lăn quay.
Vì Bành Thông có dáng to cao (nặng trên 90 ký) nên nhiều cô gái thích, có cô làm thơ trêu:
Mười năm ngồi ghế sa lông
Không bằng ngồi tựa Bành Thông một giờ.
Khi làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ Hoà Bình, Bành Thông thường giúp đỡ cơ sở xây dựng phong trào văn nghệ. Nơi nào “bí bách” chỉ cần mời Bành Thông về ba ngày là có vở tham gia hội diễn ngay. Đặc biệt, ông có tài dạy truyền khẩu cho những “nghệ sĩ” người dân tộc không biết chữ, thông qua một kịch bản toàn thơ lục bát, ý tứ đơn giản mang đậm chất dân gian. Ông đã làm bài thơ vui khi đi làm phong trào văn nghệ:
Đã là cán bộ phong trào
Nơi mạnh nơi yếu nơi nào cũng đi
Nơi thì uống rượu tì tì
Nơi thì chẳng nước non gì cũng xong.
Bành Thông tâm sự: “Thời bao cấp về làm phong trào ở vùng sâu vùng xa tỉnh Hoà Bình nhiều khi ôm bụng đói meo, bà con nghèo lắm, nhưng vẫn vui thôi”. Để động viên nhân dân hưởng ứng phong trào văn hoá văn nghệ, Bành Thông thường làm những câu thơ dí dỏm theo kiểu “Bút Tre” cho dễ nhớ, ví dụ:
Cơm ăn thiếu bát không sao
Ngày thiếu tiếng hát nôn nao trong lòng.
Hoặc:
Trăm năm trăm cõi người ta
Buồn là chóng chết vui là sống lâu.
Phải làm kiểm điểm vì… bài thơ “nói kháy”
Năm 1981, Đoàn chèo Hà Tây diễn vở chèo “Một tình yêu sẽ đến”. Vở này đã bỏ hết những làn điệu cổ thay vào đó là những điệu cách tân, cải biên rất ngô nghê. Chủ trương của Ty văn hoá Hà Tây là không cho những vở dựng theo lối cũ lên hội diễn, mà phải cách tân mới được đi dự thi. Là người tâm huyết với chèo cổ, với văn hoá dân tộc nên Bành Thông buồn lắm mà không làm gì được. Ông đành làm bài thơ “Vô đề” như sau:
Múa hát chèo hát múa chèo
Sắc hồn dân tộc sớm chiều ngân nga
Mừng mùa mười tấn nở hoa
Chiến công chống Mỹ vang xa những ngày
Thế mà hội diễn năm nay
Trên không chấp nhận cho mày đi thi
Phải chăng mày lắm i hi…
Cho nên ban lãnh đạo Ty ghét mày
Thôi thì thời buổi chèo Tây
Đây không còn chỗ cho mày chen chân
Mày về theo chị gánh phân
Theo anh cày ruộng theo dân theo làng
Mà ca ngợi thảm lúa vàng
Mà ca ngợi cảnh xóm làng đổi thay
Bao giờ hết thói chèo Tây
Thì mày mặc yếm lên đây mà chèo!
Vì bài thơ này mà Bành Thông bị lãnh đạo Ty Văn hóa bắt làm kiểm điểm và suýt bị kỷ luật, vì dám làm thơ “nói kháy” chủ trương “cải tiến chèo”.
“Có tiền cho gái có đòi được không?”
Một triết gia đã từng nói: “Tiếng cười thể hiện sự thông minh. Nếu ai cười chính bản thân mình thì lại càng thông minh hơn”. Bành Thông là một người như thế, nhiều khi rỗi việc, ngắm trời nhìn đất lại làm mấy câu cười cợt chính mình. Bạn bè nhiều người còn thuộc những câu thơ dí dỏm của ông:
Trời sinh ra bác Bành Thông
Nói có thì ít nói không thì nhiều.
Đó là cái thời còn đương chức, thường xuyên phải viết báo cáo tình hình hoạt động của cơ quan. Nếu viết thật quá thì không có thành tích, thế nên cũng phải bắt chước mọi người theo kiểu “có ít thì xít ra nhiều” để còn dễ bề xin khen thưởng. Cơ quan to vật vã thế mà không có dăm cái huy chương thì coi như kém cạnh.
Theo mạch đó mà không biết bao nhiêu bạn bè của Bành Thông đã sáng tác ra không biết bao nhiêu câu thơ “giễu vui” xung quanh ông.
Bắc thang lên hỏi ông trời
Có tiền cho gái có đòi được không?
Việc này hỏi bác Bành Thông!
Vâng, to cao đẹp giai như Bành Thông, cộng với phong cách hào hoa phong nhã thì thiếu gì gái đẹp mê ly cơ chứ. Thế nên khi làm làm báo không ít lần nín thở chờ đến ngày lấy nhuận bút để khao các em là chuyện thường tình.
Bài thơ buồn của nhà thơ vui
Đó là chuyện của những gam vui ngẫu hứng của Bành Thông thôi, chứ cuộc đời thi sĩ đâu có nhiều thời gian vô tư như thế. Người thi sĩ khóc cùng nhân gian, héo cùng cây cỏ và nẫu ruột nẫu gan trước sự trớ trêu trên cõi đời này ấy chứ. Bành Thông cũng thường xuyên mất ngủ mỗi khi chứng kiến những pha kệch cỡm đời thường. Bài thơ có nhan đề “Tâm sự” của ông viết về một địa danh mà nói lên toàn cảnh. Chúng ta cùng đọc:
Nơi anh ở
Có cầu Đúng
Có núi Đúng
Và có phố Đúng chạy dài
Ngày ngày có cái sai vẫn qua cầu Đúng
Có kẻ dối lừa vẫn sống trên phố Đúng nghênh ngang
Còn núi Đúng có những hoàng hôn
Lại vang lên tiếng chim bìm bịp…
Nơi anh ở cứ đến mùa con nước
Cống lại mở ra xả lũ về xuôi
Anh chấp nhận mình sống chung với lũ
Để nơi đây tươi những nụ cười.
Đọc được rất nhiều những bài thơ như thế của Bành Thông, có người đã yêu mến gọi đùa ông là “đệ tử chân truyền của Bút Tre”.

1 nhận xét:

  1. Hãy vui như bác Bành Thông/ Quên đi mọi sự để lòng mãi vui/ May thay những lúc trong đời/ Ta mà gặp bác thì vui vô cùng/ Làm sao quên được Bành Thông / Khi đời đã có 1 lần giao duyên...

    Trả lờiXóa